Đánh giá về âm nhạc Nguyễn Đình Phúc

Nguyễn Đình Phúc được xem là một trong những người mở đường cho tân nhạc Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời cũng là một nhà thơ, họa sĩ sở hữu nhiều tác phẩm ấn tượng.[2] Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, âm nhạc của Nguyễn Đình Phúc thường mang nhiều tính âm hưởng của âm nhạc dân tộc Việt Nam, đi kèm với nhiều suy tư sâu sắc của bản thân.[30]

Theo báo điện tử VOV liệt kê, Nguyễn Đình Phúc đã để lại tất cả 120 ca khúc, 2 vở ca kịch, 4 bản giao hưởng, 2 concertino, 2 trio cùng rất nhiều tiểu phẩm và bản nhạc khác viết cho nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ dân tộc, viết cho phim, vở diễn sân khấu.[11] Ngay từ năm 1938, Nguyễn Đình Phúc đã thực hiện cuộc điền dã đầu tiên ở các làng quan họ, đồng thời ông còn sưu tầm những giai thoại và câu chuyện truyền miệng, ghi chép một cách cẩn thận lời ca, nghiên cứu các làn điệu, nghi thức sinh hoạt quan họ truyền thống.[16] Ông cũng là người đầu tiên dùng hệ thống ký âm 5 dòng kẻ để hiển thị giai điệu dân ca, phân tích âm điệu cổ truyền Việt Nam bằng phương pháp nghiên cứu của phương Tây.[16]

Sáng tác thanh nhạc

Sáng tác cho thanh nhạc của Nguyễn Đình Phúc chủ yếu là ca khúc. Ở mỗi thời kỳ khác nhau trong lịch sử phát triển âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20, ông đều có những sáng tác tiêu biểu.[22] Nguyễn Đình Phúc là một trong những tác giả sớm nhất có những sáng tác đầu tiên mà nền âm nhạc mới cách mạng Việt Nam giao thoa với âm nhạc phương Tây, đặc biệt là âm nhạc Pháp.[31] Những sáng tác cho thanh nhạc của Nguyễn Đình Phúc còn được giới thiệu trong tuyển tập "Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Đình Phúc" kèm theo băng cassette do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành,[32] và hầu hết được nhận định là "những dấu ấn đậm" trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20.[32]

"Cô lái đò" của Nguyễn Đình Phúc được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Bính. Bài hát này được xem là "bước khởi đầu thành công" của sự kết hợp vận dụng chất liệu, hình thức âm nhạc dân gian với thủ pháp âm nhạc phương Tây và nền tân nhạc Việt Nam.[33] Tuy là sáng tác đầu tay nhưng lối sáng tác lại được đánh giá là "khá già dặn".[34] Ông gần như trung thành với nguyên tác.[35] Từ khi ra đời, một tờ báo cho biết "Tiếng đàn bầu" đã khẳng định sức sống trong đời sống tinh thần của công chúng.[36] Tác phẩm nhận được sự yêu mến của nhiều người, song một số khán giả khác đã không đồng tình với lời bài hát khi Nguyễn Đình Phúc viết rằng "Thúy Kiều khóc thân mình vì lòng yêu nước", trên thực tế nhân vật này chỉ khóc vì hoàn cảnh bản thân.[37] Ngoài ra, lời bài hát "tích tịch tình tang" được cho là của một cây đàn khác chứ không phải đàn bầu.[37]

"Bình Ca" của Nguyễn Đình Phúc là một trường ca gồm 6 phần khác nhau, mỗi phần có một tiêu đề và nội dung riêng biệt. Tuy là tác phẩm có cấu trúc phức tạp, giai điệu khó hát nhưng tác phẩm lại được truyền miệng nhanh chóng trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương.[38] Ngoài ra, tác phẩm "Tiếng đàn bầu" cũng được xem là một tác phẩm đáng chú ý của ông với nhiều ca sĩ thể hiện thành công, đặc biệt là ca sĩ Kiều Hưng trình bày đã khiến ca khúc mang về nhiều tiếng tăm cho Nguyễn Đình Phúc.[39]

Sáng tác khí nhạc

Theo tác giả Xuân Tình nhận xét trong tập "99 bài hát được nhiều người yêu thích", với lĩnh vực khí nhạc Nguyễn Đình Phúc được xem là người có "bút pháp điêu luyện".[40] Những hoạt động trong biểu diễn và công việc sáng tác nhạc phim của Nguyễn Đình Phúc đã đưa ông tới lĩnh vực sáng tác khí nhạc. Tuy vậy, đa phần đó chưa phải là những tác phẩm độc lập, hoàn chỉnh bởi âm nhạc còn bị phụ thuộc vào kịch bản, sự phát triển của hình ảnh dù đó là những phần nhạc đáng chú ý.[32] Những tác phẩm khí nhạc của ông gồm hai mảng là thính phòng và giao hưởng cho nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây du nhập vào Việt Nam.[32]

"Lúa chín vàng" cho sáo trúc và dương cầm là một tác phẩm mang âm hưởng đồng quê, ca ngợi cuộc sống nông thôn được ông vận dụng thành thạo các chất liệu âm nhạc từ làn điệu Chèo tới dân ca đồng bằng Bắc Bộ.[41] "Vui chiến thắng" cho vĩ cầm và dương cầm ở giọng Rê trưởng cũng là một tác phẩm được sử dụng chất liệu của phần trình chủ đề bày rút ra từ âm hình tiết tấu dân ca "Trống cơm".[42]

Sáng tác cho giao hưởng của Nguyễn Đình Phúc được viết từ năm 1976 khi ông đi thực tập tại Bulgaria và cả những năm tháng cuối đời. Trong đó có một số tác phẩm như tổ khúc giao hưởng "Việt Nam đang nở hoa", 2 bản giao hưởng cùng một số bản concertino khác.[43] Concertino cho vĩ cầm và dàn nhạc được Nguyễn Đình Phúc hoàn thành năm 1979. Tác phẩm được trình diễn lần đầu bởi nghệ sĩ vĩ cầm Văn Tân và nghệ sĩ dương cầm Hoàng My (chuyển soạn cho dương cầm thay thế dàn nhạc). Hiện tại băng ghi âm phần trình bày của tác phẩm này vẫn được Đài Tiếng nói Việt Nam lưu trữ.[44] Bản concertino này là một liên khúc sonata gồm 3 chương theo truyền thống phương Tây nhưng tất cả chủ đề đều được xây dựng trên thang âm ngũ cung ở các dạng khác nhau của người Việt. Tuy mang nhiều âm hưởng Việt Nam nhưng Nguyễn Đình Phúc luôn thể hiện những kỹ thuật diễn tả đặc biệt trên vĩ cầm ở những đoạn cadenza.[41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn Đình Phúc //www.worldcat.org/oclc/1223293284 //www.worldcat.org/oclc/271705047 //www.worldcat.org/oclc/682149444 //www.worldcat.org/oclc/701746655 http://daidoanket.vn/cung-thanh-la-tieng-me-450016... http://www.cinet.gov.vn/amnhac/main.asp?c1=27&ArID... http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam... https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/vi/podc... https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20170128-thuong-nho... https://vnexpress.net/tac-gia-tieng-dan-bau-qua-do...